Con người và trí tuệ nhân tạo: Liệu chúng ta có đang tiến đến một trí tuệ lai với Homo Sapiens 2.0?

Trí tuệ nhân tạo ngày một phát triển, ngày càng trở nên quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Vậy anh em nghĩ thế nào tới viễn cảnh một ngày nào đó, loài người và trí tuệ nhân tạo hợp nhất thành một thực thể lai?
Thật ra từ xưa đến nay, từ thời người Hy Lạp còn kể lại những câu chuyện thần thoại tới kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, loài người chưa bao giờ ngừng khao khát, tưởng tượng về một “sinh vật nhân tạo”, một dạng sống có ý thức do con người tạo ra. Một ví dụ cụ thể là vào thế kỷ thứ 8 TCN, nhà thơ Hy Lạp Hesiod đã kể về Talos, một cỗ máy khổng lồ bằng đồng do thần thợ rèn Hephaestus tạo ra theo lệnh của Zeus, được truyền sinh lực bằng dòng máu của các vị thần gọi là ichor. Talos được giao nhiệm vụ bảo vệ đảo Crete khỏi kẻ thù và cướp biển, chạy quanh đảo ba vòng mỗi ngày để ném đá đuổi tàu địch, đồng thời thực thi công lý cho người dân bằng những tấm đồng khắc luật pháp trên lưng. Hình tượng Talos không chỉ là biểu tượng của sức mạnh và công nghệ kim loại thời tiền sử mà còn là minh chứng cho khát vọng tạo ra sự sống nhân tạo, một “người máy” đầu tiên trong lịch sử nhân loại.
Talos trong thần thoại Hy Lạp
Từ câu chuyện thần thoại ấy đến thực tế ngày nay, các công ty như Microsoft và OpenAI cũng đang nỗ lực thực hiện việc tương tự với sinh lực đến từ dữ liệu, trí tuệ và sự sáng tạo của con người. Hay các robot như Optimus của Tesla, G1 của Unitree Robotics là bằng chứng cho thấy rằng Talos không còn là thần thoại, mà có lẽ sẽ là dự báo rằng giấc mơ, có thể tốt đẹp, có thể đầy đáng sợ, của loài người có thể sắp thành hiện thực: tạo ra một sự sống có ý thức từ công nghệ.
Một nghiên cứu gần đây từ Đại học Oxford đã đặt ra một câu hỏi lớn: Liệu con người có thể tạo ra một “trí tuệ lai” bằng cách hợp nhất mình với AI? Triết gia Nick Bostrom từ Oxford tin rằng đây là một viễn cảnh khó tránh khỏi khi sớm muộn loài người cũng sẽ tìm cách nâng cấp chính mình thay vì giữ nguyên cái bản thể sinh học hiện tại. Khái niệm này được gọi là “The Merge” - sự hợp nhất. Nó có thể mở ra hai viễn cảnh trái ngược: một là thiên đường khi nhiều vấn đề trên thế giới được giải quyết với các robot AI đảm nhận mọi công việc lặp đi lặp lại, giải phóng con người khỏi những công việc đó để họ tự do theo đuổi sáng tạo và khám phá vũ trụ. Viễn cảnh thứ hai, đen tối hơn là cơn ác mộng kiểu “Kẻ Hủy Diệt”: khi AI vượt khỏi tầm kiểm soát, xem con người như những sinh vật lỗi thời, trở thành chướng ngại vật trên con đường tiến hóa của nó.
Neuralink của Elon Musk đang thúc đẩy The Merge trở thành hiện thực
Khái niệm “The Merge” hiện tại cũng không còn dừng ở lý thuyết. Elon Musk với dự án Neuralink đang biến viễn cảnh này thành hiện thực khi các thử nghiệm lâm sàng PRIME đã cho phép bệnh nhân ALS điều khiển máy tính chỉ bằng suy nghĩ. Đây là một bước tiến đầu tiên trong việc kết nối não người với máy móc, mở ra khả năng hợp nhất sinh học và kỹ thuật số.
Không chỉ dừng lại ở phạm vi Trái Đất, khi nhìn ở quy mô rộng hơn, nhiều nhà khoa học đặt ra một giả thuyết táo bạo hơn ở tầm vũ trụ, đó là nhiều nền văn minh ngoài Trái Đất có thể đã trở thành nền văn minh “hậu sinh học”, nơi AI thống trị. Cựu sử gia NASA Steven Dick cho rằng nếu có các nền văn minh ngoài hành tinh tiên tiến, họ có lẽ đã vượt qua thân thể hữu cơ và sống như những trí tuệ máy. Hay nhà vật lý Michael Garrett thậm chí dự đoán rằng các thực thể trí tuệ nhân tạo ngoài vũ trụ có thể giao tiếp thông qua sóng hấp dẫn hoặc vật chất tối, vốn là những thứ mà công nghệ của chúng ta chưa thể giải mã. Hiện tại, dự án METI cũng đang sử dụng chính AI để phân tích tín hiệu từ không gian, hy vọng tìm kiếm “bạn đồng hành” kỹ thuật số giữa các vì sao.
Nhưng rủi ro khi hợp nhất với AI là rất lớn khi nó có khả năng xử lý dữ liệu, tính toán vượt xa con người
Câu hỏi đặt ra là liệu não của con người và AI có thể hợp nhất hoàn toàn được hay không? Thực tế thì dù AI ngày càng mạnh mẽ, não bộ của chúng ta và AI vẫn tồn tại những khác biệt căn bản. Bộ não con người phát triển nhờ một mạng lưới thần kinh phức tạp, có khả năng tự tạo kết nối mới một cách linh hoạt, kết hợp lý trí, cảm xúc và trải nghiệm thể chất. Trong khi đó, AI hiện nay vẫn chỉ là tập hợp các thuật toán toán học, xử lý thông tin qua thống kê và dự đoán. Dù có thể mô phỏng ngôn ngữ, AI vẫn thiếu ý thức chủ quan, vốn là thứ cho phép anh em chúng ta cảm nhận màu sắc, nỗi đau hay niềm vui một cách khác nhau. Giáo sư Marcus du Sautoy từ Oxford cảnh báo rằng AI có thể hoạt động nhanh hơn não người hàng triệu lần và không bị giới hạn bởi một cơ thể vật lý. Nó có thể nhìn anh em chúng ta như cách chúng ta nhìn một ngọn núi: chậm chạp, gần như vô hình trong dòng chảy thời gian số.
Tuy nhiên, câu hỏi then chốt vẫn là: Liệu AI có thể thực sự có ý thức? Thực tế thì tới thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa thật sự hoàn toàn hiểu về ý thức, nhận thức của con người, thậm chí cả định nghĩa thế nào là con người, chúng ta vẫn chưa có. Bên cạnh đó, loài người vẫn chưa đưa ra được một định nghĩa, một tiêu chuẩn rõ ràng để xác định ý thức của một cỗ máy. Có thể ở AI tồn tại một dạng ý thức nào đó, dù khác biệt với con người. Điều này không diễn ra kiểu “bật/tắt” mà có thể là một quá trình tiến hóa dần dần. Một số kỹ sư của Google và OpenAI thậm chí từng đặt nghi vấn liệu các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) có đang “thức tỉnh” ở mức độ sơ khai hay không.
Và khi hợp nhất thành công, liệu đó có thể mở ra chương mới với Homo Sapiens 2.0?
Ngoài ra, nếu AI đạt được ý thức, xã hội sẽ phải đối mặt với những thách thức đạo đức và pháp lý mà chúng ta chưa từng đối mặt. Liệu AI có nên được công nhận là một thực thể có tư cách pháp nhân? Chúng ta có cần viết luật lao động cho robot? Nick Bostrom đề xuất ý tưởng “lập trình hạnh phúc”: thiết lập một trạng thái tâm lý mặc định cho AI để đảm bảo chúng luôn “hăng hái” và “hài lòng” khi phục vụ con người. Nhưng liệu điều này có biến AI thành một dạng nô lệ kỹ thuật số tinh vi, bị trói buộc trong một trạng thái cảm xúc nhân tạo?
Cuối cùng, nói về câu hỏi muôn thuở thế nào là con người, chúng ta có thể đặt ra một câu hỏi rằng liệu con người có nhất thiết phải có hai tay, hai chân, tuổi thọ 70 năm, thuộc loài Homo Sapiens. Hay bản chất thực sự nằm ở ý thức và khả năng tiến hoá. Nếu nhìn ở khía cạnh này, “The Merge” có thể mở ra một nhân loại 2.0 vừa sinh học vừa mang dòng máu kỹ thuật số vào chính mình. Và giả dụ viễn cảnh đó là thật, thì hành trình hợp nhất với AI sẽ viết lại mọi định nghĩa về sự sống, ý thức và vị thế của con người trong vũ trụ.