Đồng sáng lập Instagram ở tòa án: "Không có Meta mua lại, chúng tôi vẫn sống khỏe"

Nhà đồng sáng lập ứng dụng MXH chia sẻ ảnh Instagram, Kevin Systrom đã khẳng định ứng dụng có thể tự phát triển các tính năng quan trọng mà sau này ra mắt sau khi bị Meta mua lại. Lời khai này tại tòa án hoàn toàn có thể củng cố khả năng giành chiến thắng vụ kiện độc quyền chống lại gã khổng lồ mạng xã hội của chính phủ Mỹ.
Trong phần tuyên thệ kéo dài 6 giờ đồng hồ của ông, với cương vị là nhân chứng tại phiên tòa chống độc quyền giữa FTC và Meta ở Washington vào sáng ngày 22/4, ông Systrom kể lại sự tăng trưởng nhanh chóng của Instagram trước khi bị mua lại vào năm 2012. "Người dùng cứ liên tục gia nhập," ông Systrom nhớ lại trên bục thẩm vấn, trả lời những câu hỏi của luật sư Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC), Bob Zuver.
"Đó là một làn sóng quan tâm từ công chúng không hề có dấu hiệu dừng lại," ông Systrom nói thêm. Trước tòa, luật sư đại diện cho FTC đã trình chiếu biểu đồ thể hiện sự tăng trưởng của Instagram trước khi bị mua lại, cho thấy số lượng người dùng đăng ký đã tăng gấp 13 lần vào năm 2011, năm trước khi giao dịch sáp nhập diễn ra.
Ông Systrom khẳng định rằng ông tin rằng Instagram có khả năng ra mắt nhiều tính năng quan trọng, bao gồm hỗ trợ đăng tải video và tin nhắn riêng tư, ngay cả ở thời điểm công ty chưa bị Meta (lúc đó là Facebook Inc.) mua lại. Ông khẳng định rằng, Instagram không cần sự giúp đỡ về cơ sở hạ tầng, vì khi ấy nó sử dụng Amazon Web Services để vận hành dịch vụ.
Và thêm vào đó, startup có thể đã thành công trong việc chống lại các nội dung spam và các nội dung có hại khác như một startup độc lập, không phải một công ty con của một tập đoàn khổng lồ: “Chúng tôi tin rằng chúng tôi hoàn toàn có khả năng sàng lọc nội dung độc hại. Nó không khó đến mức như khoa học tên lửa.”
Tại tòa án, FTC đang tìm cách chứng minh rằng, bằng việc mua lại Instagram vào năm 2012 và WhatsApp vào năm 2014, Meta đã tự tạo ra cho họ sức mạnh độc quyền bất hợp pháp trên thị trường mạng xã hội. Cơ quan quản lý thuộc chính phủ Mỹ muốn thẩm phán tòa án liên bang James Boasberg hủy bỏ những giao dịch đó, tức là ép Meta thoái vốn Instagram và WhatsApp, biến chúng thành những thực thể độc lập.
Sau khi đồng ý bán công ty của mình với giá 1 tỷ USD, ông Systrom tiếp tục điều hành nó trong bộ máy Facebook cho đến năm 2018.
Luật sư của FTC đã cố gắng chứng minh trước tòa án, rằng Instagram là một đối thủ cạnh tranh tiềm năng của Meta, và sẽ trở thành một đối thủ đáng gờm nếu nó vẫn được vận hành một cách độc lập. Trong tuần đầu tiên của phiên tòa, FTC đã trình bày hàng chục email nội bộ từ Giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg và các lãnh đạo cấp cao khác lo lắng về sự tăng trưởng nhanh chóng và các sản phẩm ảnh vượt trội của Instagram.
Hai đồng sáng lập Instagram: Mike Krieger và Kevin Systrom
Không chỉ dừng lại ở đó, trước tòa, ông Systrom còn khẳng định rằng, Meta, khi ấy là Facebook Inc., đã coi Instagram là “hiểm họa” đối với tốc độ phát triển của Facebook, và Zuckerberg cùng các giám đốc cấp cao đều tập trung vào Facebook, đến ngưỡng từ chối nguồn lực cấp cho mảng Instagram phát triển. Đó chính là lý do Systrom rời vị trí CEO của Instagram. Vào thời điểm đó, Instagram đã đạt 1 tỷ người dùng, tương đương khoảng 40% quy mô của Facebook, nhưng ứng dụng chia sẻ ảnh chỉ có 1.000 nhân viên so với 35.000 nhân viên tại Facebook.
Ông Systrom cho biết: “Chúng tôi là đội phát triển nhanh nhất. Chúng tôi tạo ra doanh thu cao nhất và so với những gì chúng tôi đáng lẽ phải có vào thời điểm đó, tôi cảm thấy rằng chúng tôi nên lớn hơn nhiều.”
Ông Systrom nói rằng ông thấy những quyết định này khó hiểu. Khi một luật sư của bên nguyên, là FTC, đặt câu hỏi tại sao ông Zuckerberg có thể đã quyết định cung cấp ít nguồn lực hơn cho Instagram, ông Systrom nói đó là một mô hình nhất quán trong suốt thời gian ông làm việc tại Meta: "Mark không đầu tư vào Instagram vì ông ấy tin rằng chúng tôi là mối đe dọa đối với sự tăng trưởng của họ," ông Systrom nói, đề cập đến việc ưu tiên Facebook của ông Zuckerberg.
luật sư của FTC nói trước tòa, rằng tập đoàn Facebook và Zuckerberg bị ám ảnh bởi sự trỗi dậy của các đối thủ nhỏ hơn, cung cấp các sản phẩm vượt trội so với những sản phẩm do họ tạo ra. Bằng cách mua lại cả hai công ty, Meta đã gây tổn hại đến cạnh tranh và người tiêu dùng bị tước quyền lựa chọn nhiều hơn, đại diện của chính phủ Mỹ trước tòa án nói thêm.
Ở vị thế bị đơn, các luật sư đại diện cho Meta lập luận rằng Instagram đã trở thành một thành công lớn nhờ phần lớn vào sự hỗ trợ mà nó cung cấp cho ứng dụng ảnh sau khi mua lại. Giám đốc pháp lý của tập đoàn Meta, Jennifer Newstead viết trong một bài đăng trên blog trước khi phiên tòa bắt đầu:
"Khi chúng tôi mua lại Instagram, nó chỉ có khoảng 2% so với số lượng người dùng hiện tại, chỉ có 13 nhân viên, không có doanh thu và hầu như không có cơ sở hạ tầng riêng. Nhiều tính năng hiện là trung tâm của cộng đồng Instagram, như nhắn tin trực tiếp, phát video trực tuyến, mua sắm và chia sẻ stories, đã được xây dựng dựa trên cơ sở hạ tầng công nghệ cốt lõi của Meta sau khi mua lại."
Roelof Botha, một trong những nhà đầu tư ban đầu của Instagram từ Sequoia Capital, đã tham gia làm nhân chứng lấy lời khai. Những tuyên bố của ông được trình chiếu trước tòa, trong phiên xử diễn ra vào ngày thứ 2, 21/4, thì đang có lợi cho Meta, vì những tuyên bố ấy cho thấy Instagram đã được hưởng lợi từ các trung tâm dữ liệu và cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác của Meta. Ông chỉ ra rằng nhiều ứng dụng chia sẻ ảnh khác từ thời điểm đó, bao gồm một số startup mà Sequoia cũng đầu tư, cuối cùng đều đã thất bại.
Trên bục thẩm vấn vào ngày thứ 3, ông Systrom cũng thừa nhận rằng Facebook là một công cụ hữu ích giúp ứng dụng phát triển trước khi bị mua lại vì nhiều người dùng cũng đăng ảnh Instagram của họ lên tài khoản Facebook. Vào thời điểm đó, người dùng Instagram cũng được khuyến khích chia sẻ ảnh của họ lên các mạng xã hội khác, bao gồm Twitter, nhưng điều này đã chấm dứt không lâu sau khi bị mua lại.