MSR: Cuộc đua đem mẫu vật từ Sao Hoả về Trái Đất của NASA đối mặt với nguy cơ bị dừng lại

11/05/2025 15:15
MSR: Cuộc đua đem mẫu vật từ Sao Hoả về Trái Đất của NASA đối mặt với nguy cơ bị dừng lại

Một đề xuất ngân sách mới từ chính quyền tổng thống Donald Trump có thể khiến chương trình Mars Sample Return dừng lại.


Chương trình Mars Sample Return (MSR) của NASA là một nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ với chi phí hàng tỷ đô la nhằm thu thập và đưa về Trái Đất những mẫu đá, đất và khí quyển được lựa chọn kỹ từ bề mặt Sao Hỏa. Mục tiêu của chương trình là trả lời những câu hỏi quan trọng về lịch sử, địa chất và khả năng từng tồn tại sự sống cổ xưa trên hành tinh Đỏ. Tuy nhiên, một đề xuất ngân sách mới từ chính quyền Trump đang đe dọa hủy bỏ sứ mệnh này, qua đó có thể khiến việc đưa các mẫu vật quý giá trên Sao Hỏa trở nên xa vời. Sự kiện này đã gây nên làn sóng phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng khoa học quốc tế, khi nhiều chuyên gia cho rằng đây là một bước lùi nghiêm trọng trong lịch sử khám phá không gian của nhân loại.


Chương trình Mars Sample Return là gì?


Chương trình MSR là sự hợp tác giữa NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), với tham vọng thực hiện sứ mệnh đầu tiên trong lịch sử nhân loại có thể lấy mẫu vật từ một hành tinh khác và đưa về Trái Đất. Kể từ khi tàu Perseverance hạ cánh xuống hố va chạm Jezero vào tháng 2 năm 2021, robot tự hành này đã đi khắp khu vực từng là một đồng bằng với hệ thống sông ngòi cổ đại và hồ nước sâu, thu thập các mẫu đá và đất được bảo quản trong các ống kim loại niêm phong. Những mẫu vật này chứa đựng tiềm năng lớn trong việc tìm ra dấu tích của sự sống ngoài Trái Đất, nếu có.


Điểm đặc biệt của MSR là quy trình thu thập mẫu vật vô cùng kỹ lưỡng với tiêu chuẩn rất cao: các vị trí lấy mẫu được lựa chọn dựa trên dữ liệu địa chất, nhằm tối đa hóa khả năng phát hiện dấu vết sinh học hoặc thông tin về khí quyển cổ đại của Sao Hỏa. Các mẫu này sẽ được bảo quản tuyệt đối an toàn trong các ống kín, chờ ngày được một tàu đổ bộ và tên lửa nhỏ đưa lên quỹ đạo Sao Hỏa, sau đó tàu của ESA sẽ đón và đưa về Trái Đất. Nếu thành công, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, vật chất từ một hành tinh khác được mang về phòng thí nghiệm trên Trái Đất để phân tích bằng các công nghệ tối tân nhất.


Sứ mệnh này đối mặt với nguy cơ huỷ bỏ


Vừa rồi, Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng (OMB) bất ngờ công bố đề xuất cắt giảm 25% tổng ngân sách của NASA và gần như một nửa ngân sách cho khoa học, đồng thời đề xuất loại bỏ hoàn toàn chương trình MSR. Theo tài liệu, MSR bị đánh giá là “vượt xa chi phí dự kiến” với tổng chi phí ước tính lên tới 11 tỷ đô la và thời gian đưa mẫu về Trái Đất có thể bị lùi tới năm 2040. Điều này là quá lâu và quá đắt đỏ so với kỳ vọng ban đầu. Với dữ liệu này, OMB cho rằng các mục tiêu của MSR có thể được thay thế bằng các sứ mệnh có người lái lên Sao Hỏa trong tương lai.


Các địa điểm lấy mẫu mà tàu Perseverance đã đi qua


Đề xuất này của OMB đã gây tranh cãi rất lớn trong cộng đồng khoa học. Donya Douglas-Bradshaw, giám đốc chương trình MSR của NASA, chỉ hai ngày trước đó còn báo cáo tích cực về tiến độ, nhấn mạnh rằng đây sẽ là “sứ mệnh khứ hồi đầu tiên đến hành tinh khác, và là lần đầu tiên chúng ta phóng thiết bị từ một hành tinh ngoài Trái Đất”. Dù thừa nhận các vấn đề phát sinh về chi phí và tiến độ, nhưng bà cũng cho biết NASA đang xem xét hai phương án khả thi nhằm tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian, với kế hoạch chốt lựa chọn trước cuối năm 2026. Các phương án này bao gồm tận dụng công nghệ sẵn có (“heritage hardware”) và hợp tác với khu vực tư nhân để đổi mới giải pháp, với kỳ vọng có thể rút ngắn thời gian đưa mẫu vật về Trái Đất xuống còn năm 2035 và giảm chi phí còn khoảng 8 tỷ đô la.


Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng việc huỷ bỏ MSR là một bước thụt lùi nghiêm trọng. Trước hết, ý tưởng cho rằng các sứ mệnh có người lái, có thể thay thế là không thực tế. Scott Hubbard – cựu giám đốc chương trình Sao Hỏa của NASA – nhận định rằng chưa có kế hoạch khả thi nào cho sứ mệnh có người lên Sao Hỏa trước năm 2039 hoặc 2040. Ông gọi ý tưởng phi hành gia lên Sao Hỏa và thu hồi mẫu vật là phi lý, bởi bất kỳ kế hoạch thực tế nào cho sứ mệnh có người cũng sẽ tốn kém hơn rất nhiều so với MSR. Hơn nữa, việc đưa con người lên Sao Hỏa còn tiềm ẩn nguy cơ sinh học khi sự hiện diện của vi khuẩn từ Trái Đất có thể làm nhiễm bẩn bề mặt Sao Hỏa, từ đó làm sai lệch kết quả khoa học nếu phân tích mẫu vật sau này.


Mô phỏng thiết bị lấy mẫu từ tàu Perseverance


Trong khi đó, Trung Quốc đã công bố kế hoạch thực hiện sứ mệnh Tianwen-3 nhằm thu thập mẫu đơn giản vào khoảng năm 2030. Dù không toàn diện như MSR và chủ yếu tập trung vào yếu tố “thành tích” thay vì chất lượng các mẫu vật, nhưng kế hoạch này vẫn có thể đưa Trung Quốc giành vị thế là quốc gia đầu tiên mang mẫu từ Sao Hỏa về Trái Đất. Điều này đặt ra một nguy cơ Mỹ sẽ đánh mất vị thế dẫn đầu trong khám phá không gian. Khác với MSR, dự án của Trung Quốc ưu tiên tốc độ khi có thể chỉ lấy mẫu vật ở một vị trí dễ tiếp cận, không qua quá trình chọn lọc kỹ lưỡng, và có thể không mang giá trị khoa học gì lớn. 


Mô phỏng việc Perseverance đưa mẫu thu thập được vào Sample Transfer Arm, được cung cấp bởi ESA


Mô phỏng về việc xe tự hành Mars Perseverance theo dõi xe tự hành Mars Ascent Vehicle rời khỏi bề mặt sao Hỏa sau khi thu hồi mẫu vật 


Nói về giá trị khoa học, thì đây là yếu tố nổi bật mà MSR hướng tới. Các mẫu được thu thập không phải ngẫu nhiên mà được lựa chọn có chủ đích từ các địa điểm có tiềm năng cao nhất chứa dấu tích sinh học hoặc thông tin về khí quyển cổ đại. Casey Dreier từ Planetary Society nhấn mạnh rằng các mẫu vật ngẫu nhiên như cách tiếp cận “vơ vét” của Trung Quốc sẽ không thể giúp giải đáp những câu hỏi lớn như tuổi bề mặt Sao Hỏa, sự tồn tại của sự sống, hay thành phần khí quyển cổ đại. Điều này chỉ có thể xác định khi có mẫu vật được lựa chọn kỹ càng và phân tích bằng công nghệ hiện đại trên Trái Đất.

Ngoài ra, việc loại bỏ MSR còn đi ngược lại các khuyến nghị ưu tiên hàng đầu trong các báo cáo chiến lược có ảnh hưởng lớn đến định hướng khoa học không gian của Mỹ. Từ bỏ MSR, không chỉ khiến Mỹ mất hàng thập kỷ đầu tư mà còn có nguy cơ tụt hậu so với các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc.


Phản Ứng của NASA và Hướng Đi Sắp Tới


Trước áp lực ngân sách và tiến độ, NASA đã có những điều chỉnh linh hoạt cho chương trình này, bao gồm việc cân nhắc hợp tác với khu vực tư nhân và sử dụng công nghệ sẵn có để tiết kiệm chi phí. Một kế hoạch tinh gọn hơn có thể đưa các mẫu về Trái Đất sớm nhất vào năm 2035 với chi phí khoảng 8 tỷ đô la. NASA cũng đang tiến hành đánh giá song song hai phương án kỹ thuật khác nhau, dự kiến sẽ lựa chọn phương án tối ưu vào cuối năm 2026.


Tuy nhiên, mọi kế hoạch đều đang đối mặt với sự bất định về chính trị. Casey Dreier nhấn mạnh rằng việc hủy bỏ chương trình vào thời điểm hiện tại, trong hoàn cảnh NASA chưa có giám đốc được phê chuẩn chính thức để đánh giá toàn diện, là quá sớm. Ông cho rằng vẫn còn nhiều giải pháp tiềm năng, kể cả khả năng tích hợp MSR vào kế hoạch thám hiểm có người trong tương lai, thay vì loại bỏ hoàn toàn chương trình. Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo rằng nếu Mỹ dừng lại, các quốc gia khác sẽ nhanh chóng tận dụng cơ hội để vượt lên, làm lu mờ vai trò dẫn dắt của Mỹ trong lĩnh vực khám phá không gian sâu.


Tin xem thêm