Việc phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 không chỉ là mối quan tâm lớn của Mỹ mà còn là của không quân nhiều nước trên thế giới. Các máy bay thế hệ 6 này hứa hẹn sẽ xác lập ưu thế trên không của nước đó trước các mối đe dọa trong tương lai.
Trong cuộc chơi này thì Mỹ đang đi đầu nhờ việc Lầu Năm Góc không ngừng cập nhật các yêu cầu mới đối với chương trình Chiếm ưu thế Trên không Thế hệ Tiếp theo (NGAD). Tuy nhiên việc đưa ra những tiêu chuẩn mới cũng làm cho việc phát triển nền tảng chiến đấu cơ thế hệ 6 gặp nhiều khó khăn.
Trước hết là các yêu cầu khắt khe về thông số chẳng hạn như bay nhanh, bay cao và tải trọng lớn. Trong khi các máy bay thế hệ 5 đạt tốc độ hành trình cận âm thì máy bay NGAD phải có tốc độ hành trình siêu thanh, nhưng không dùng hết công suất động cơ. Nhìn chung tốc độ hành trình cần đạt từ Mach 1-1,5 (1.235-1.852 km/giờ) và có trần bay chí ít 20 ngàn mét. Tải trọng phải vừa lớn vừa đa đạng, trải dài từ tên lửa không đối không, không đối đất, bom dẫn đường chính xác cho đến bom hạt nhân, thậm chí là vũ khí siêu thanh.
Thứ đến là đòi hỏi tích hợp chức năng của nhiều phi cơ vào làm một. Có thể hình dung rằng một máy bay NGAD sẽ chiếm ưu thế trên không như F-22, ném bom như B-2 Spirit, tấn công như F-35A, cất cánh trên đường băng ngắn và đáp thẳng đứng như F-35B, đồng thời cũng có thể hoạt động từ tàu sân bay như F-35C. Việc ôm đồm quá nhiều năng lực như vậy đặt ra một thách thức to lớn.
Điểm khó thứ ba là đòi hỏi cao về khả năng thâm nhập, tức là có thể bay đường dài để đi vào lãnh thổ đối phương. Sự rộng lớn của các đại dương là một thách thức đối với chiến đấu cơ thế hệ 6, chẳng hạn Đại Tây Dương rộng 6,4 ngàn km tính từ Bắc Mỹ đến Châu Phi, Ấn Độ Dương rộng 7,6 ngàn km từ Châu Phi đến Tây Úc, còn Thái Bình Dương rộng tới 19 ngàn km khi đi từ Indonesia tới Colombia.
Tuy biển rộng lớn là vậy nhưng các tiêm kích thế hệ 5 như F-22 có phạm vi tác chiến chỉ khoảng 1.400 km, hay chiếc F-35C cũng chỉ đạt 2.400 km. Mỹ đặt mục tiêu chế tạo máy bay thế hệ 6 có phạm vi tác chiến lớn hơn nhiều, đủ để băng qua các đại dương đó mà không cần tiếp nhiên liệu và đây là một thách thức khổng lồ.
Việc tăng cường khả năng tàng hình của máy bay cũng là một khó khăn lớn khác. Nhỉn chung thì nó cần tàng hình nhất có thể, hơn hẳn các phi cơ “tàng hình” nhất hiện nay. Bên cạnh dấu hiệu radar thấp, dấu hiệu nhiệt của nó cũng phải thấp để tránh bị cảm biến hồng ngoại phát hiện.
Để làm được vậy thì ngoài hình dạng đặc thù, phi cơ phải quản lý tốt lượng khí thải sao cho tạo ra thật ít dấu nhiệu nhiệt, khung máy bay cần làm bằng vật liệu mới có thể hấp thụ hoặc khuếch tán nhiệt. Ngay cả lớp sơn bên ngoài cũng có yêu cầu cao không kém, nó phải bền, chống ăn mòn, chịu nhiệt tốt và góp phần giảm được mọi loại dấu hiệu.
Cuối cùng là công tác bảo trì. Khác với các loại máy móc thông thường như xe cộ hay máy tính, các chiến đấu cơ không phải cứ bay rồi bỏ đó là xong mà cần một cường độ bảo trì cao. Do điều này khá phiền phức nên Lầu Năm Góc đòi hỏi thế hệ 6 cần phải dễ bảo trì, nhanh chóng và đảm bảo không làm hỏng lớp phủ tàng hình. Họ từng có bài học nhãn tiền với các máy bay tàng hình cũ F-117A và B-2 Spirit, nổi tiếng với công tác bảo trì khó khăn.
Ngay cả chiếc F-35 mới cũng vậy, chúng cần bảo dưỡng rất nhiều vì thường có từ 20-25 lần hỏng nặng hàng năm. Mỗi năm F-35A có thời gian bay 250 giờ, F-35B là 300 giờ và chiếc F-35C dài nhất với 315 giờ. Dù bay chưa được 350 giờ, nhưng thời gian bảo trì khung thân mỗi năm của chúng lại từ 1.100-1.400 giờ, gấp 3-5 lần thời gian bay.
Với F-22 còn mệt mỏi hơn, chúng có thời gian bay khoảng 326 giờ/năm và cần 10,5 giờ bảo dưỡng cho mỗi giờ bay, tương đương 3.423 giờ bảo dưỡng hàng năm. Mức này chưa thấm vào đâu so với B-2 và F-117A. Mỗi giờ bay của chiếc B-2 đòi hỏi 119 giờ bảo dưỡng, còn chiếc F-117A cũng cần 100 giờ bảo dưỡng/giờ bay.
QUẢNG CÁO
Bảo trì F-35A.
Rõ ràng là chiến đấu cơ thế hệ 5 đã có thời gian bảo trì ngắn đi nhiều, nhưng để giảm những con số đó hơn nữa, chẳng hạn chỉ từ 1-2 giờ bảo trì cho mỗi giờ bay là chuyện không đơn giản.
F-22 và F-35 thường bị tăng mạnh chi phí khi tích hợp thêm công nghệ mới. Rút kinh nghiệm từ đó, Không quân Mỹ đang áp dụng cách làm rất dè dặt và cẩn trọng đối với thế hệ 6. Họ sẽ thử nghiệm nhiều nguyên mẫu, kiểm thử công nghệ và kỹ thuật hệ thống thật kỹ trước khi tạo ra các phi cơ chính thức. Dù vậy thì những yêu cầu khắt khe được đề ra vẫn là rào cản lớn, nên chắc chắn phải nới lỏng phần nào để đưa những máy bay này ra đời thực.