Sứ mạng Athena trên Mặt Trăng thất bại sau chưa đầy một ngày do sự cố điều hướng khi hạ cánh

Vào sáng thứ Sáu, Intuitive Machines thông báo rằng sứ mệnh Athena của họ tới bề mặt Mặt Trăng, vốn hạ cánh trong tư thế nghiêng, đã chính thức kết thúc.
Tàu đổ bộ Athena hạ cánh xuống mặt trăng và ngay lập tức gặp sự cố
Tàu đổ bộ Athena, được phát triển bởi Intuitive Machines trong chương trình Dịch vụ Tải trọng Mặt trăng Thương mại (CLPS) của NASA, nhằm mục đích đưa các thí nghiệm khoa học đến khu vực Mons Mouton gần cực Nam của Mặt trăng. Nhiệm vụ này được thiết kế để khám phá các mỏ nước đá và thử nghiệm các công nghệ tiên tiến, bao gồm PRIME-1 của NASA. Đây là một bộ khoan và máy quang phổ để phân tích băng dưới bề mặt cùng với một robot có khả năng di chuyển trong các hố tối. Athena được phóng vào ngày 26 tháng 2 năm 2025 trên tên lửa SpaceX Falcon 9 và đã thành công đi vào quỹ đạo Mặt trăng trước khi hạ cánh xuống bề mặt vào ngày 6 tháng 3.
Tàu đổ bộ Athena trong sứ mạng hợp tác giữa Intuitive Machines và NASA
Tàu đổ bộ này đã hạ cánh cách mục tiêu dự kiến khoảng 250 mét tại khu vực Mons Mouton. Đây là vị trí xa nhất về phía nam mà bất kỳ tàu thăm dò nào từng hạ cánh trên Mặt Trăng, chỉ cách một vài độ so với cực Nam của nó. Tuy nhiên, tàu đổ bộ đã nằm nghiêng sang một bên do vấn đề với hệ thống điều hướng tự động trong quá trình hạ cánh. Hệ thống này có thể đã điều chỉnh quỹ đạo để tránh các nguy hiểm trên bề mặt, dẫn đến sự mất ổn định khi tiếp đất.
Vị trí nghiêng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sạc lại pin của Athena. Các tấm pin mặt trời không thể thu nhận đủ ánh sáng do bị lệch hướng và góc ánh sáng thấp trong miệng núi lửa. Nhiệt độ cực lạnh càng làm tình trạng trở nên tồi tệ hơn, khiến hệ thống năng lượng của tàu nhanh chóng cạn kiệt. Do đó, Intuitive Machines tuyên bố kết thúc nhiệm vụ chưa đầy một ngày sau khi hạ cánh.
Mặc dù bị ngừng hoạt động sớm hơn dự kiến, Athena cũng đã thực hiện một số hoạt động nhất định trước khi mất năng lượng hoàn toàn. Nhóm điều khiển sứ mạng đã đẩy nhanh một số hoạt động nhằm tối đa hoá các cột mốc quan trọng, bao gồm các thử nghiệm ban đầu với thiết bị PRIME-1 của NASA. Bộ khoan đã chứng minh khả năng chuyển động, và các cảm biến đã phát hiện khí có thể được giải phóng bởi hệ thống đẩy của tàu trong quá trình hạ cánh. Tuy nhiên, các hoạt động khoa học có ý nghĩa như phân tích băng dưới bề mặt Mặt Trăng đã không được hoàn thành như kì vọng.
Deja Vu mà Intuitive Machines đối mặt
Trên thực tế, đây là sứ mạng Mặt Trăng thứ hai của công ty có trụ sở tại Houston. Nhiệm vụ đầu tiên diễn ra cách đây hơn một năm đã gặp phải sự cố với hệ thống đo khoảng cách bằng laser trước khi hạ cánh. Mặc dù đã tiếp đất mềm, tàu đổ bộ đầu tiên đã chạm xuống Mặt Trăng với tốc độ nhanh hơn dự kiến một chút nhưng ở một vị trí có độ dốc cao hơn. Điều này khiến một chân hạ cánh bị gãy và tàu bị lật. Tuy nhiên, ngay cả trong tình trạng này, sứ mệnh Odysseus vẫn có thể tạo ra năng lượng và hoàn thành phần lớn các mục tiêu khoa học trong suốt một tuần hoạt động trên Mặt Trăng.
Nhưng giống như sứ mạng Odysseus trước đây của Intuitive Machines, Athena cũng gặp vấn đề tương tự trong quá trình hạ cánh
Intuitive Machines vẫn chưa công bố chính xác điều gì đã xảy ra trong những giây phút cuối cùng trước khi Athena chạm xuống Mặt Trăng vào thứ Năm. Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo vào chiều hôm đó, các quan chức công ty xác nhận rằng họ lại gặp vấn đề với hệ thống đo khoảng cách bằng laser. Điều này khiến tàu vũ trụ một lần nữa không xác định chính xác vị trí của nó so với bề mặt Mặt Trăng cũng như độ cao hiện tại.
Tương lai của sứ mạng của Intuitive Machines và NASA
Mặc dù sự thất bại của Athena là một bước lùi đối với Intuitive Machines và NASA, đây không phải là dấu chấm hết cho sự hợp tác của họ. NASA đã cam kết thực hiện thêm các nhiệm vụ với Intuitive Machines, bao gồm IM-3 dự kiến vào năm 2026. Công ty cũng đã được ký hợp đồng phát triển mạng lưới vệ tinh quanh Mặt trăng để cung cấp dịch vụ liên lạc và định vị. Những bài học rút ra từ Athena sẽ có khả năng giúp cải thiện các nhiệm vụ trong tương lai.
Tuy nhiên, những trở ngại mà Intuitive Machines gặp phải cho thấy rất rõ những rủi ro liên quan đến các nhiệm vụ thương mại với đích đến là địa hình gồ ghề như cực Nam Mặt Trăng. NASA chấp nhận đây là những nỗ lực rủi ro cao nhưng tiềm năng mang lại phần thưởng rất lớn nếu thành công, với mục tiêu giảm chi phí và thúc đẩy đổi mới trong việc khám phá Mặt Trăng. Trên thực tế, cơ quan hàng không này đã trả cho các công ty trung bình 100 triệu đô la cho mỗi chuyến bay và dù đây là một cú đánh đau đớn với cả NASA lẫn Intuitive Machines khi mất đi cơ hội nghiên cứu khoa học, họ kì vọng những thất bại này sẽ mang lại bài học để mở ra một con đường tiết kiệm chi phí, đáng tin cậy để tiếp cận bề mặt Mặt Trăng.