
Trong bài viết ngày hôm nay, mình sẽ thực hiện bài trên tay và chia sẻ với các bạn về chiếc smartphone phổ thông ZTE Blade A55 thuộc dòng ZTE Blade A Series. Đây cũng là một trong những dịp hiếm hoi mình được trải nghiệm sản phẩm đến từ chính ZTE thay vì một thiết bị với tên gọi nubia (thương hiệu thuộc ZTE, trước đó thì mình từng trên tay nubia Music).
Thiết kế tổng thể và các chi tiết
Chúng ta cùng nhìn qua tổng thể bên ngoài của ZTE Blade A55. Sản phẩm được trang bị màn hình phẳng kích thước 6.75 inch với bốn viền xung quanh màn hình được làm dày kèm thiết kế giọt nước chứa camera selfie. Máy có khung viền vuông vức sử dụng chất liệu nhựa đi kèm mặt lưng nhựa được hoàn thiện dạng bóng.
Màn hình của ZTE Blade A55 có thiết kế dạng giọt nước chứa camera selfie.
Bốn viền xung quanh màn hình 6.75 inch của ZTE Blade A55 tương đối dày, đặc biệt là phần viền gần cạnh đáy.
Tổng quan mặt lưng của ZTE Blade A55, mình đang trên tay phiên bản màu Xanh dương.
Đỉnh máy không có chi tiết nào.
Phần đáy máy sẽ là nơi đặt cổng âm thanh 3.5 mm, mic thu âm, cổng sạc USB-C và loa ngoài.
Cạnh trái của ZTE Blade A55 chỉ khay SIM.
Cạnh phải của thiết bị là nơi đặt cụm phím tăng/giảm âm lượng và phím nguồn.
Xét đến việc ZTE Blade A55 là một chiếc smartphone phổ thông thì mình đánh giá cao mức độ hoàn thiện của sản phẩm tương đối chắc chắn, không quá ọp ẹp. Mình thích nhất phần họa tiết lấp lánh trên mặt lưng của ZTE Blade A55 và khu vực này sẽ trở nên nổi bật khi ánh sáng chiếu vào. Mặc dù nhà sản xuất chia sẻ phiên bản màu Xanh của ZTE Blade A55 là Water Blue (tức mô phòng dòng nước) nhưng mình thấy họa tiết này giống với ánh sao hơn.
Cận cảnh họa tiết mặt lưng của ZTE Blade A55 dưới ánh nắng.
Cụm camera trên mặt lưng máy cũng được đặt trong khung vuông với bốn hình tròn được xếp đều nhau, khiến tổng thể sản phẩm trở nên cân đối và hài hòa. Phần khung bao quanh cụm camera của thiết bị được làm lồi và các cạnh của khung bảo vệ camera vuông góc với mặt lưng (mặc dù vậy thì mình nghĩ phần chi tiết này nên được bo cong để dễ vệ sinh camera khi cần thiết).
Cận cảnh cụm camera của ZTE Blade A55 với phần khung lồi được làm từ nhựa.
Khi lần đầu cầm ZTE Blade A55 trên tay, mình có cảm giác hơi cấn nhẹ ở khu vực nối tiếp giữa cạnh viền và mặt lưng máy. Tất nhiên là sau khoảng 1 - 2 ngày sử dụng thì mình cũng dần làm quen với điều này. Bên cạnh đó, phần phím bấm chức năng (nguồn, tăng/giảm âm lượng) được đặt ở vị trí dễ dàng thao tác khi mình sử dụng điện thoại bằng tay phải.
Cảm giác cầm nắm ZTE Blade A55 ban đầu chưa được thoải mái nhưng sau đó khoảng 1 - 2 ngày thì mình đã quen.
Các phím bấm chức năng của thiết bị cũng được đặt ở vị trí hợp lý và mình thích cách ZTE làm cho phím nguồn có màu đỏ đối lập với tông màu xanh chủ đạo của sản phẩm. Đây cũng là khu vực đặt cảm biến nhận diện vân tay để mở khóa máy.
Trải nghiệm nhanh phần mềm MyOS 14
Ở phần này, mình muốn chia sẻ thêm về trải nghiệm phần mềm MyOS 14 (giao diện được ZTE tùy biến dựa trên hệ điều hành Android 14). Về tổng thể thì giao diện phần mềm này ở mức ổn đối với một thiết bị thuộc phân khúc phổ thông. Trải nghiệm khi mở khóa màn hình, mở/đóng ứng dụng, mở đa nhiệm ứng dụng đôi lúc sẽ khựng nhẹ.
Trải nghiệm sử dụng phần mềm MyOS 14 trên ZTE Blade A55 tương đối ổn và mình cũng chấp nhận việc hệ thống đôi lúc giật khựng bởi đây là một chiếc smartphone phổ thông.
Trong quá trình mình sử dụng ZTE Blade A55 thì máy cũng đề xuất một phiên bản cập nhật phần mềm dung lượng ~451 MB.
ZTE Blade A55 không có ứng dụng lưu trữ ảnh mặc định như các hãng khác mà dùng Google Photos và mình đánh giá cao điều này. Lý do là bởi Google Photos được tích hợp sẵn bộ công cụ chỉnh sửa ảnh Magic Editor.
Macgic Editor là công cụ AI được phát hành bởi Google với mục đích hỗ trợ người dùng chỉnh sửa ảnh đẹp hơn. Với Magic Editor trên ZTE Blade A55, mình có thể "Làm rõ ảnh" bị mờ hoặc sử dụng "Bút tẩy thần kỳ" để xóa các chủ thể dư thừa trong ảnh.
ZTE Blade A55 được tích hợp sẵn phần mềm Google Photos kèm công cụ Magic Editor.
Xuyên suốt quá trình sử dụng MyOS 14 trên ZTE Blade A55, giao diện phần mềm này có một vài điểm khiến mình bối rối:
1. Mặc dù ngôn ngữ hệ thống là tiếng Việt nhưng một số mục cài đặt vẫn hiển thị tiếng Anh. Ví dụ ở mục cài đặt màn hình hiển thị tính năng tên là "Full screen display".
Giữa một loạt mục cài đặt bằng tiếng Việt thì mình vô tình nhìn thấy "Full screen display"... trông rất vô duyên.
2. Một số mục cài đặt được đặt tên hơi khó hiểu và khiến mình có cảm giác hệ thống đang "Google dịch" tên tiếng Anh sang tiếng Việt.
Ví dụ ở phần cài đặt pin có tính năng "Kiểm soát thủ công" (quản lý lượng điện năng tiêu thụ cho từng ứng dụng) và trong đây có mục “Khởi chạy thứ cấp” hơi khó hiểu.
3. Hệ thống sắp xếp các mục trong cài đặt chưa hợp lý. Ví dụ cụ thể là "Tư duy đồng bộ" (có ảnh người AI) nhưng khi bấm vào thì lại hiện ra Đảo động (một dạng biến tấu từ hiệu ứng thông báo Dynamic Island trên iOS).
Ban đầu mình tưởng tính năng "Tư duy đồng bộ" là AI nhưng hóa ra chỉ là một setting liên quan đến hiệu ứng thông báo.
Thông số cấu hình
Dưới đây là tóm tắt thông số cấu hình ZTE Blade A55 dựa trên thông tin từ trang chủ sản phẩm:
- Màn hình: 6.75 inch, độ phân giải HD+ (1.600 x 720 pixels), tần số quét 90 Hz (đang cập nhật tấm nền).
- CPU: Đang cập nhật.
- RAM: 4 GB (hỗ trợ RAM ảo tối đa 8 GB).
- Bộ nhớ trong: 64 GB/128 GB.
- Camera sau:
- Camera chính: 13 MP (đang cập nhật cảm biến, khẩu độ, tiêu cự).
- Camera phụ: Đang cập nhật.
- Camera trước:
- Pin: 5.000 mAh.
- Hệ điều hành: MyOS 14 - Android 14.
Trang chủ của ZTE Blade A55 vẫn còn thiếu nhiều thông tin liên quan đến cấu hình phần cứng, điển hình là độ phân giải màn hình. Mình phải truy cập phần Giới thiệu điện thoại trong Cài đặt hệ thống để có thêm thông tin.
Một vài điểm nhấn
1. Hỗ trợ tính năng thông báo Live Island: Theo chia sẻ từ ZTE, mẫu smartphone ZTE Blade A55 với phần mềm MyOS 14 được tích hợp tính năng thông báo Live Island với các hoạt động theo thời gian thực và lời nhắc khác nhau.
Mình nhận thấy tính năng Live Island sẽ được kích hoạt khi chúng ta nghe nhạc, ghi âm, hẹn giờ.
2. Bảo mật tốt hơn với tính năng nhận diện gương mặt và mở khóa bằng cảm biến vân tay: ZTE Blade A55 được trang bị 2 phương thức bảo mật khác nhau gồm nhận diện gương mặt và vân tay để người dùng lựa chọn theo nhu cầu cá nhân. Đây cũng là yếu tố mình đánh giá cao ở sản phẩm.
ZTE Blade A55 hỗ trợ mở khóa thiết bị bằng nhận diện gương mặt.
3. Dung lượng pin 5.000 mAh: ZTE cho biết dung lượng pin 5.000 mAh của ZTE Blade A55 kết hợp cùng công nghệ tiết kiệm điện năng thông minh hứa hẹn sẽ giúp người dùng có thể sử dụng thiết bị trong cả ngày dài.
ZTE Blade A55 được trang bị viên pin có dung lượng 5.000 mAh. Nguồn: ZTE.
Vậy các bạn nhận xét như thế nào về ZTE Blade A55? Bạn đang sử dụng dòng sản phẩm nào từ ZTE? Hãy thực hiện bảng vote bên dưới và bình luận ở cuối bài viết để nêu lên quan điểm của bạn. Cảm ơn các bạn đã quan tâm và theo dõi.