
Ở nhiều nước phát triển, thị trường chứng khoán được coi là “phong vũ biểu” cho nền kinh tế. Đôi khi chúng ta thường nghĩ rằng thị trường chứng khoán là một sản phẩm của thời hiện đại, nhưng thực chất nó đã ra đời từ cách đây hơn 400 năm tại Hà Lan.
Khi hoạt động thương mại trên thế giới của Hà Lan đang tới hồi cao điểm, thì vào ngày 20/3/1602 công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) đã công bố đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đầu tiên, đặt nền móng cho thị trường tài chính hiện đại.
VOC đã làm một việc rất mới mẻ là cho phép cư dân bình thường mua cổ phiếu, khi mà Điều 10 trong điều lệ công ty nói rằng: “Tất cả cư dân của những vùng đất này đều có thể mua cổ phiếu công ty”. Các vùng đó là 7 tỉnh của Hà Lan vừa tuyên bố độc lập vào cuối thế kỷ 16.
Từ trước khi VOC chào bán cổ phiếu, nhiều công ty Hà Lan đã tổ chức cho các thương gia góp tiền vào những chuyến tàu buôn ở châu Âu và trên thế giới. Sau chuyến đi, nếu có lợi nhuận thì họ sẽ lấy lại khoản đầu tư và có thể tái đầu tư cho chuyến đi tiếp theo.
Dù có nhiều vết đen, VOC là công ty đã hoàn thiện ý niệm về thị trường chứng khoán khi trao quyền sở hữu cổ phiếu cho mọi người mà không hề đặt ra số tiền đầu tư tối thiểu. Ngoài ra, các cổ phiếu đó cũng giao dịch được vì chúng là một dạng tài sản.
Trong điều lệ của VOC, có 1 điều khoản đã được thêm vào với nội dung: “Việc chuyển nhượng hoặc chuyển giao cổ phiếu có thể thực hiện thông qua kế toán viên.” Điều khoản đó đã khai sinh ra thị trường thứ cấp là nơi các nhà đầu tư có thể giao dịch cổ phiếu với người khác, thay vì phải giữ nó suốt nhiều năm.
Việc giao dịch diễn ra tại 3 địa điểm ở Amsterdam là New Bridge, Sàn giao dịch Hendrick de Keyser và Dam Square. New Bridge là một khu đất nằm gần bến cảng, tại đó các thương gia sẽ tụ họp để giao dịch ngoài trời trước khi có một tòa nhà riêng biệt.
Sàn Hendrick de Keyser.
Đến năm 1611 thì Sàn Hendrick de Keyser được xây để chuyên giao dịch hàng hóa và cổ phiếu. Còn quảng trường Dam Square ngay trước Tòa thị chính là nơi các thương gia tiếp tục giao dịch sau giờ làm việc, dựa theo các tin tức lẫn tin đồn sốt dẻo nhất.
Quá trình IPO diễn ra trong suốt tháng 8/1602 và VOC huy động được tổng cộng 3.674.945 guilder từ 1.143 nhà đầu tư. Đặc biệt, một trong số họ là một người giúp việc tên Neeltgen Cornelis. Bà đã đầu tư tới 100 guilder (bằng 10 ngàn xu) trong khi tiền lương chỉ là 50 xu/ngày. Nhìn chung ai cũng có thể mua cổ phiếu dù họ có là người hầu hay nông dân đi nữa.
Sàn Dam Square.
Mới đầu VOC dốc toàn lực tái đầu tư lợi nhuận cho các tuyến đường biển, lập thương điếm và củng cố sự hiện diện toàn cầu, nên họ thiếu tiền mặt trả cho nhà đầu tư. Trong gần 10 năm kể từ cuộc IPO, họ chẳng trả đồng cổ tức nào và khiến các cổ đông bất mãn. Thế là họ vô tình “đẻ ra” người bán khống đầu tiên trên thế giới: Isaac Le Maire, một cựu giám đốc đã bị đá khỏi công ty năm 1605 do tham ô.
Năm 1608, ông nầy trả đũa bằng cách ký hợp đồng kỳ hạn nhằm bán cổ phiếu VOC vào một ngày trong tương lai với giá định trước. Khi làm hợp đồng, Le Maire không hề sở hữu cổ phiếu nên mới gọi là “khống”, chưa kể thời đó chẳng ai đòi tài sản thế chấp gì cả.
Rồi Le Maire cho tay chân đi đồn là tàu hàng của VOC bị chìm ở Mũi Hảo Vọng, nếu thị trường tin chuyện đó và giá giảm thì Le Maire sẽ mua cổ phiếu trước khi phải thực hiện hợp đồng, giúp ông bỏ túi khoản chênh lệch nhờ bán cao/mua thấp. Quả thực giá rớt mạnh do người ta đã bất bình sẵn và Le Maire hẳn có thu được chút lợi nhuận.
Bị các cổ đông gây áp lực, vào tháng 8/1609 VOC đã chi khoản cổ tức đầu tiên: vỏ nhục đậu khấu. Đồng thời VOC còn vận động hành lang với chính phủ Hà Lan bằng lập luận là bán khống gây hại cho các nhà đầu tư nhỏ yếu, nên việc này bị cấm vào năm 1610. Thế là Le Maire không bán khống được nửa và bị tước luôn các cổ phiếu đang sở hữu, tính sơ sơ ông ta đã mất từ 10-20 triệu đô theo thời giá ngày nay.
Từ năm 1623, VOC trả cổ tức hai năm một lần, rồi tăng lên hàng năm và nửa năm một lần từ năm 1635. Vào những năm 1630 và 1640 thì cổ tức chủ yếu là đinh hương. Từ năm 1646, cổ tức mới chủ yếu là tiền mặt. Tới cuối thế kỷ 18 thì VOC dần tàn lụi do nợ đầm đìa, cũng như bị cạnh tranh khốc liệt từ các công ty Đông Ấn Anh và Pháp. Cuối cùng chính phủ Hà Lan phải mua lại VOC và bán tháo mọi thứ còn lại.